top of page

Chế độ Nhân tài phá hỏng giấc mơ Mỹ?

[Giới thiệu + Review ngắn Sách mới xuất bản]

Các quốc gia đều cần có nhân tài. Nhân tài được trọng dụng. Người có tài ắt sẽ thành công... Những câu nói đó ăn sâu trong tâm trí của mỗi người, mỗi nhà, từ công ty cho tới nhà nước. Không chỉ người châu Á chúng ta coi trọng việc học, mà những cuộc ganh đua vào trường điểm, lớp chuyên tại Mỹ, Anh, Pháp cũng không kém phần gay cấn. Điển hình như scandal chạy trường Ivy tại Mỹ năm 2019 đã khiến không ít người nhận ra rằng kể cả những người có tiền, có quyền, có sự nổi tiếng cũng cần cái danh xưng 'nhân tài' cho con của họ. Cái 'danh' làm nên giá trị và sự tự tôn trong xã hội. Nhưng chế độ Nhân tài (hay đúng hơn là thể chế coi trọng nhân tài - meritocracy) có thực sự tốt cho sự phát triển của xã hội như chúng ta vẫn nghĩ hay không? GS Michael Sandel, ĐH Harvard (còn được mệnh danh là "Triết gia toàn dân") muốn đánh thẳng vào mặt trái của Chế độ Nhân tài, và nặng nề, đặt tên cho cuốn sách mới nhất của ông là: "Sự chuyên chế của chế độ nhân tài" (The Tyranny of Merit) như cách người ta nói về 1 chế độ độc tài khét tiếng vậy.




Trong cuốn sách chỉ khoảng 220 trang viết này, GS Sandel sử dụng tư duy Triết học Đạo Đức (Moral Philosophy) kèm theo những dẫn chứng thực tế, từ kinh tế và xã hội Mỹ và 1 số quốc gia phát triển khác để chỉ ra rằng : giấc mơ Mỹ (American Dream) không còn tồn tại nữa. Trong suốt 30 năm của neoliberalism (chủ nghĩa tự do mới), từ thời Reagan tới nay, các tổng thống Mỹ chỉ luôn nhắc tới việc xây dựng 1 xã hội mà bất kỳ ai, không kể xuất thân, đều có thể làm nên - 1 xã hội đánh giá con người qua thực lực - xã hội của chế độ nhân tài. Thế nhưng không chỉ Sandel, nhiều nhà nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng : cái chúng ta gọi là thực lực mà chúng ta có được (như bằng cấp, giải thưởng, vị trí...) nhìn bề ngoài thì tưởng là do tự thân đạt được nhưng đằng sau là cả 1 hệ thống hỗ trợ : bạn sinh ra ở đâu? bố mẹ là ai? nhà ở khu nào?... đều góp phần đẩy bạn gần hay xa hơn với mục tiêu.



Sandel cho rằng trọng dụng nhân tài không phải là điều xấu. Như việc ông đi khám bác sĩ, thì phải tìm bác sĩ giỏi nhất. Thế nhưng 1 chế độ chính trị (nhà nước) mà chỉ tuyển dụng nhân tài dựa trên bằng cấp, trường lớp thì sẽ gặp mấy vấn đề:

- 1 là sự lệch lạc trong suy nghĩ của những người được gọi là 'nhân tài' này - họ sẽ luôn nghĩ người giỏi là người tự thân, người kém, người nghèo là kẻ lười biếng. Sandel gọi đó là 'Sự huênh hoang của kẻ có thực lực" (hubris of the merit) và theo ông khiến cho chính sách lệch, không vì cái chung.

- 2 là sự lệch lạc trong đánh giá thực lực - bạn vào trường giỏi, làm công ty lớn thì tức là bạn giỏi hơn người khác sao? Sandel gọi đó là "chủ nghĩa tín nhiệm" (Credentialism) và điều này, theo ông đã làm mờ mắt nhà tuyển dụng và thui chột những nhân tài thực sự.


Sandel đề xuất xây dựng 1 chế độ tuyển chọn kết hợp giữa thực lực và sự may mắn. Ví dụ như để tuyển chọn vào Harvard, ngôi trường ông đang dạy, thì các ứng viên cần phải đạt chuẩn, và trong những ứng viên đạt chuẩn, sẽ có bốc thăm để chọn ra người may mắn vào trường. Đề xuất này theo Sandel là để giảm thiểu sự ngạo mạn của những người có thực lực, dạy cho họ giá trị của sự may mắn, và để san sẻ sự may mắn cho nhiều người khác nhau ở các tầng lớp khác nhau.


Bạn nghĩ sao về đề xuất táo bạo này của GS. Sandel?


Cuốn sách mới được xuất bản 10/09/2020 tại Anh, và 15/09/2020 tại Mỹ.

Mua sách tại ĐÂY

0 comments
bottom of page