top of page

Văn Minh Nhân Loại qua tàn tích Nghệ Thuật

[Review Sách]

Câu hỏi "Định nghĩa Nền Văn minh (Civilisation) như thế nào?" là 1 trong những câu hỏi mãi mãi đều khó định nghĩa có câu trả lời thoả lòng tất cả. Chỉ biết rằng chúng ta thường phân biệt được 'sự man rợ' (barbarian) (hay thiếu văn minh) với điều chúng ta cho là văn minh. GS Mary Beard (ĐH Cambridge) đã thực hiện 2 tập trong chuỗi phim tài liệu 'Civilisations' (Các nền văn minh) của BBC để trả lời câu hỏi này.


(Credit: Ảnh của Elif The reader)


Cuốn sách 'How do we look - The eye of faith' được chia làm 2 phần, tương ứng với 2 tập này. Phần 1 - How do we look - nói về hình ảnh của con người qua các tàn tích, tác phẩm nghệ thuật, bắt đầu từ đầu tượng khổng lồ của người Olmec (Mexico) và cũng kết thúc chương bằng những bức tượng 'em bé' của người Olmec. Mary Beard dẫn dắt người đọc qua từng suy luận của bà về cách con người trong lịch sử nhìn nhận mình (hay nhìn nhận thứ thuộc về văn minh của mình) qua việc tạc tượng, vẽ tranh về chính mình. Bạn sẽ được dẫn dắt tìm hiểu 1 số di tích tuyệt vời của thời cổ đại 1 cách sâu sắc , cặn kẽ về cách suy nghĩ, văn hoá thời xưa, kèm theo những chú thích về lịch sử hoặc chính trị cần biết lúc đó để cảm nhận mạnh mẽ và thấu đáo hơn tác phẩm. Dường như qua ngòi bút của Mary Beard, lịch sử và khảo cổ không hề khô khan chút nào. Tôi thích nhất trong phần này là cách Mary Beard phân tích về quyền lực và ý nghĩa của những bức tượng Pharaoh khổng lồ dưới thời Rameses II. Bà viết:


Có lẽ người thực sự cần được thuyết phục rằng anh ta là to lớn hơn tất cả, trên tất cả những kẻ thường dân kia, không ai khác chính là người trần mắt thịt đang cải trang dưới lốt kẻ thống trị với sức mạng vô song này đây.

Bạn có thể thấy ngòi bút của Mary Beard sắc sảo tuyệt vời qua từng trang sách. Bà còn chọn lọc những mẩu truyện và tác phẩm thể hiện sự bất bình đẳng nam nữ thời xưa hay chính cách chúng ta chọn hiểu về những câu chuyện lịch sử truyền tai.


Phần 2 - The eye of faith - phân tích cách 1 số đức tin lớn (Đạo Phật, Đạo Thiên Chúa, Hindu và Đạo Hồi) có cách nhìn như thế nào về đức tin, về Chúa của họ và từ đó ảnh hưởng đến cách họ cho rằng có thể "nhân hoá" Chúa hay không. Nếu như Đạo Thiên Chúa lựa chọn hình ảnh Jesus - con của Chúa gần gũi với hình ảnh con người, và đâu đó có những vị vua chọn cách hoạ hình mình gần giống Jesus thì đạo Hồi lại lựa chọn tôn thờ Lời của Đức Thánh. Ở phần này, chúng ta được đi tới những ngôi đền, nơi thờ của các đức tin lớn, từ Istanbul tới Ajanta rồi dừng chân ở Athens.


Mary Beard lựa chọn đền thờ nữ thần Athena trên đỉnh Acropolis của Athens làm nơi kết thúc chuyến hành trình vì người phương Tây thường cho rằng đây là biểu tượng của văn minh cổ đại. Nhưng có lẽ ngay cả việc đền xây như thế nào, biểu tượng của Athena nên để ra sao vẫn luôn là sự tranh cãi. Nhưng qua cái nhìn về các vị thần, chúng ta lại càng hiểu rằng chẳng thể nào có chung 1 mẫu số cho câu hỏi định nghiã về Nền Văn Minh. Mary Beard kết:


"....nền văn minh. Đó là 1 ý tưởng rất giống như đức tin, cho chúng ta nhiều câu chuyện kể lại to tát về nguồn gốc của mình, về đích đến của mình, mang con người gần lại qua việc chia sẻ niềm tin chung ấy. Và đền Parthenon đã trở thành biểu tượng của điều này. Vì thế, nếu bạn hỏi tôi Nền văn minh là gì, tôi sẽ nói cũng chỉ là 1 hình thức của đức tin mà thôi. "

Bạn có thể đồng ý hay không đồng ý với kết luận có phần vội vàng của Mary Beard qua 200 trang sách, nhưng có lẽ trước tiên bạn sẽ đồng ý đây là 1 cuốn sách hay, viết xuất sắc, nội dung cụ thể và chắt lọc, chèn nhiều hình ảnh tuyệt đẹp. 1 cuốn sách rất đáng có trong tủ sách của những người yêu thích lịch sử, khảo cổ, văn hoá, nghệ thuật và du lịch nói chung.


Mua sách tại ĐÂY


0 comments
bottom of page