top of page

Tư duy đạo đức: Tại sao ta luôn coi mình đúng?

[BOOK REVIEW + SUMMARY]

Trước tiên phải nói rằng, đây chắc chắn là 1 trong những cuốn sách tôi cực ấn tượng, cực chăm chút tới mức phải viết 2800 từ chỉ để tóm tắt chi tiết và giúp cho tôi phân tích kỹ lưỡng cuốn sách này hơn. Nhưng cũng phải nói rằng, nếu bạn chờ đợi cuốn sách nói về sự phân chia chính trị của nước Mỹ như phụ đề của sách thì có lẽ sẽ có phần hụt hẫng. Đây là 1 cuốn sách giàu chất học thuật về ngành tâm lý học đạo đức (moral psychology), dẫn tay người đọc từng bước cùng tác giả - GS Jonathan Haidt (NYU) - đi tìm hiểu sự phát triển về tư duy đạo đức của loài người, cách ông phân tích và xây dựng lý thuyết của riêng mình về đạo đức.



(Credit: photo from The Jarkata post)


'The Righteous Mind' đã có bản dịch TV của NXB Chính trị quốc gia sự thật tên là 'Tư Duy Đạo đức'. Cuốn sách được chia làm 3 phần chính, gồm 12 chương.


Phần đầu tiên của cuốn sách là một tổng quan về các lý thuyết hiện có trong tâm lý học đạo đức. Tác giả đã đưa vào các lý thuyết lịch sử chính và đưa ra phán quyết của riêng mình về những gì thực sự phù hợp, dựa trên sự hiểu biết và học hỏi của ông về lĩnh vực này và các công trình cá nhân. Tác giả cho thấy rằng lý thuyết của Hume và Glaucon là đúng. Phần này lập luận rằng đạo đức có thể vừa bẩm sinh vừa có thể học được và khi nói đến phán đoán đạo đức, quá trình tự động của trực giác (con voi) của chúng ta có trước lý luận chiến lược (người cầm lái).


Trong phần thứ hai, tác giả minh họa nền tảng của lý thuyết đạo đức của mình (thuyết đa nguyên đạo đức) và lý do tại sao việc suy nghĩ theo nhiều chiều, đa văn hóa lại quan trọng. Sau đó, ấy tiếp tục giải thích quá trình đưa ra 6 nền tảng đạo đức của chính trị (có sửa đổi) và cách mà cánh tả và cánh phải coi trọn các nền tảng này như thế nào. Điều này dẫn đến một nhận xét quan trọng rằng cánh tả không thể hiểu được cánh hữu vì tư duy đạo đức của họ xây dựng trên 3 nền tảng so với với 6 nền tảng của cánh hữu.


Phần cuối của cuốn sách đề cập đến bước tiến quan trọng trong quá trình tiến hóa của loài người từ sinh vật ích kỷ bẩm sinh thành sinh vật lai giữa hành vi ích kỷ và hành vi nhóm (trong một điều kiện đặc biệt của "công tắc tổ ong" - “Chúng ta có 90 Phần trăm Tinh tinh và 10 Phần trăm Ong”). Nếu các phần trước giải thích đạo đức của các cá nhân, thì phần này để hiểu xã hội phức tạp của chúng ta, tại sao chúng ta có xã hội, tại sao chúng ta hành động theo nhóm và tại sao tôn giáo phát sinh và có vị thế quan trọng. Mặc dù cá nhân tôi cảm thấy rằng hai chương cuối yếu hơn về tính thuyết phục logic, phần này là một phần không thể thiếu để hoàn thiện bức tranh giúp tác giả đạt được mục tiêu ban đầu của mình, đó là giải thích tại sao mọi người lại chia thành nhiều nhóm chính trị đối lập và khó có điểm chung.


Có lẽ nhiều người đọc sẽ kỳ vọng 1 giải pháp từ cuốn sách này nhưng tác giả lại tập trung hơn vào phần lý thuyết, để rồi ngắn gọn nói về phương thức vô cùng đơn giản (nhưng khó thực hiện), đó là mỗi người trong mỗi đảng phái đều có thể là người tốt, và có điều đáng lắng nghe. Chúng ta sẽ thấy tác giả rất kỳ vọng cánh tả lắng nghe nghiên cứu của ông, đặc biệt là khi ông vạch ra những điểm yếu trong cách tiếp cận cử tri của cánh tả, cách cánh tả thiếu sự hiểu biết về cánh hữu, và cách cánh tả không thử mở rộng nền tảng đạo đức của mình để có những quyết sách vẹn đôi đường. Mặc dù ông theo phe cánh tả, tác giả không hề nói xấu hay chê trách cánh hữu như nhiều cuốn sách khác mà chỉ nói về cánh hữu (hay đúng hơn là phe bảo thủ) và gốc rễ của chính trị cánh hữu hơn là về Đảng Bảo Thủ hiện nay.


Có thể thấy rất rõ ràng rằng tác giả lấy cảm hứng và chịu ảnh hưởng học thuật từ Triết gia David Hume, Glaucon và nhà xã hội học người Pháp Emile Durkheim trong quá trình xây dựng lý thuyết 6 nền tảng đạo đức (moral foundation). Nhưng tôi phải ngợi khen hết mức khả năng nghiên cứu của tác giả ra khỏi chuyên ngành chính của mình, tìm đến nhân chủng học, kinh tế học, chính trị học, khảo cổ học, khoa học não bộ và sinh học 1 cách rất hợp lý và sâu rộng.


Nhìn chung, đây là 1 cuốn sách có thể sẽ khiến bạn thay đổi tư duy và nhìn nhận lại cách đánh giá của mình về con người, hành động và chính trị một cách hệ thống, cân bằng và thoáng hơn.


Đọc Tóm Tắt kỹ từng chương do tôi viết tại ĐÂY

Mua sách tại ĐÂY (bản tiếng Anh) và ĐÂY (bản tiếng Việt)



0 comments
bottom of page