top of page

Nói với con về nền kinh tế

[REVIEW ĐỦ]

Yanis Varoufakis (GS Kinh tế, Cựu bộ trưởng tài chính Hy lạp) đã trăn trở khi những biến cố kinh tế nặng nề xảy ra với Liên Minh Châu Âu và Hy Lạp, đất nước của ông. Sẽ nói gì với đứa con gái bé bỏng đây khi cô bé thấy ngày càng nhiều người ăn xin ngoài đường, hay những con phố mua sắm nhộn nhịp giờ chỉ chốt then?





Tôi cũng suy nghĩ như vậy, khi con gái hỏi “mẹ ơi, tiền là gì? tại sao chúng ta phải đi làm? tại sao người ta phải đi ăn xin?”. Những câu trả lời như: “tiền là thứ chúng ta phải đi làm để có được. Những người ăn xin vì họ không làm việc chăm chỉ..” đều là những câu trả lời không còn thoả đáng, và không đúng nữa trong xã hội hiện tại. Tiền không còn là trung gian, mà còn là hàng hoá, không còn là sản phẩm của sự chăm chỉ đơn thuần, mà còn có thể là thứ bạn sinh ra đã có hoặc không. Sự khác biệt giữa giàu nghèo không còn ở chỗ ai chăm làm hơn ai, mà còn dựa nhiều vào những gì xã hội, nhà nước và nền kinh tế cho phép hoặc tước đi.


Suy nghĩ này đưa tôi đến cuốn “Talking to my daughter about the economy” của Yanis. Ít ai viết sách trong 9 ngày, và càng ít ai thú nhận sự thật này về 1 cuốn sách mà tưởng chừng bao quát quá nhiều kiến thức để có thể nói hết, nói gọn trong 200 trang giấy. Yanis hy vọng cuốn sách này mang đến những kiến thức căn bản về nền kinh tế và lịch sử chủ nghĩa tư bản tới với con gái và những người trẻ, hoàn toàn ngây thơ trong sáng với những ngôn từ phức tạp của kinh tế học.


Trong 8 chương, Yanis đã nói về những chủ đề gần gũi nhất trong xã hội về nền kinh tế mà mọi người quan tâm: Bất bình đẳng, xã hội thị trường, nợ, ngân hàng, máy móc, tiền phi chinh trị. Với cương vị là Cựu bộ trưởng tài chính, Yanis đã đưa ra những bài giảng tốt nhất khi nói về bất bình đẳng, tiền tệ, nợ và ngân hàng. Ông không đưa ra bức tranh của lý thuyết, không có định nghĩa sách vở. Thay vào đó, Yanis giải thích đơn giản cái chúng ta tưởng là đúng, rồi đưa ra những sự thật phũ phàng để chứng minh rằng thế giới này đảo lộn hết cả.


Nói về tiền bạc và nợ nần, Yanis miêu tả “ma thuật hắc ám” của ngân hàng khi hô biến con số 0 thành 6 chữ số chỉ với vài click chuột, đơn giản như đang giỡn vậy. Người đọc cũng sẽ bị bật ngửa với sự thản nhiên của Yanis khi nói về nợ công - sự ám ảnh đặc biệt với các nước nghèo. Yanis cũng khiến người đọc suy ngẫm về giá trị trao đổi (exchange values) và giá trị trải nghiệm (experiential values) bị lẫn lội trong cuộc sống hiện tại. Khi máu và nội tạng có thể đem bán, giá trị trao đổi và giá trị trải nghiệm bị hoà làm một. Nhưng việc “hàng hoá hoá” (commodification) với những thứ mang giá trị trải nghiệm có thực sự mang lại kết quả mong muốn (optimal quantity and price)?


Yanis không tô vẽ bức tranh về vẻ đẹp khoa học của kinh tế học, về ứng dụng của nó trong đời sống hay lịch sử, giống như cách Dani Rodrik bảo vệ kinh tế học. Ông đưa ra một (và nhiều) sự thật phũ phàng. Có lẽ cuốn sách này gợi tôi nhớ đến chương tóm tắt lịch sử Chủ Nghĩa Tư Bản trong cuốn Cẩm nang kinh tế học của Ha Joon ChangOmega Plus Books. Nhưng nó không như tôi mong đợi. Yanis không theo dòng lịch sử, không đưa ra những cột mốc cụ thể trong quá trình hình thành và phát triển của capitalism (như tựa sách) mà dựa vào từng chủ đề để nói. Cũng không công bằng như Ha Joon Chang, ông đưa quan điểm chính trị rõ ràng vào những luận điểm của mình. Đôi lúc, luận điểm của ông bị lệch và có phần sai sót, thiếu bao quát, khiến người đọc có chút kiến thức kinh tế sẽ thấy khó chịu, đôi phần khiên cưỡng muốn theo dõi tiếp (như việc Yanis nói về bất bình đẳng kinh tế giưã các quốc gia châu Phi so với châu Âu 1 phần là do địa lý).


Tôi đã kiên nhẫn để đọc hết cuốn sách, chờ đợi 1 điều gì đó để cân bằng lại nhưng không có. Tôi tôn trọng những kiến thức sâu của Yanis khi nói về hệ thống tài chính nhưng khó chấp nhận những quan điểm ngoài chuyên môn của ông. Hơi đáng tiếc, nhưng tôi chờ đợi 1 phiên bản cẩn thận hơn, và chu toàn hơn là 1 phiên bản 9 ngày như vậy.


Mua sách tại ĐÂY

0 comments
bottom of page