top of page

Bạn có biết cái bạn biết là đúng?

Jenny Nguyen

[Book Review]

Có lẽ 1 trong bài học trong Triết học mà tôi không bao giờ quên chính là câu hỏi xoắn não này: 'Sao bạn biết cái bạn biết? Và sao bạn biết cái bạn biết là đúng?' hoặc có thể xoắn hơn là 'Làm sao bạn biết cái bạn biết là cái bạn thực sự biết?'. Và nếu bạn dấn thân trả lời câu hỏi này và không may gặp 1 người cực xoáy thì rất có thể bạn sẽ bước ra hoang mang hơn mức mình tưởng. Epistemology (Triết học Tri Thức) là 1 nhánh nghiên cứu của Triết học mà trong thời đại của fake news và deep fake (nôm na là giả trân) này thực sự càng cần thiết. Và cuốn sách giới thiệu 'Knowledge: A Very Short Introduction' của GS Jennifer Nagel (ĐH Toronto) này chính là bước đầu giúp bạn cấu trúc lại những kiến thức thật và cả những điều nằm ở ranh giới mông lung.




Có nhiều người cho rằng series "Very Short Introduction" của NXB ĐH Oxford quá 'dễ' vì được viết nhắm tới người đọc không chuyên và quá 'giản lược' chẳng hơn gì Wiki. Tuy nhiên, với cuốn 'Knowledge', Nagel lại biến gần 140 trang giấy thành 8 bài luận nhỏ, logic chặt chẽ và đa chiều, đủ sâu sắc nhưng với ngôn ngữ không màu mè khiến bạn sẽ không thể chỉ 1 lướt là hiểu như Wiki, mà phải dừng lại, ngẫm nghĩ, tự đấu tranh với bản thân qua từng phân tích.


Nếu bạn là người 'cực xoáy' bên trên tới độ bạn sẽ không thể ngừng tưởng tượng mình sống trong thế giới Matrix hoặc chỉ là 1 bộ não trong cái lọ thì Nagel sẽ giúp bạn giải quyết câu hỏi đó đầu tiên qua chương 1 Scepticism (Chủ nghĩa hoài nghi). Qua những ví dụ thuộc dạng thought experiment (thử nghiệm trong suy nghĩ), Nagel sẽ dẫn dắt bạn qua những học thuyết quan trọng nhất của những triết gia đi đầu, đưa lên bàn cân để rồi chính bạn phải tự quyết định cho mình.


Bắt đầu bằng sự hoài nghi tột độ của Descartes (với câu nói nổi tiếng 'Cogito ego sum" - I think therefore I am mà tiếc là Nagel không hề nhắc tới), Nagel dẫn dắt người đọc qua từng chương tiếp theo, mỗi chương giải quyết các khúc mắc khác nhau với mục đích 'tối thượng' là xây dựng học thuyết về tri thức. 2 chương theo tôi là cực kỳ thực tế và sẽ khiến bạn thấy mở mang ngay chính là:

- Làm thế nào để có được tri thức? Từ bên trong (qua nhận thức cá nhân) hay từ bên ngoài (qua bằng chứng xung quanh) ở chương 2 - Internalism vs. Externalism.

- Khi người khác nói với mình 1 điều gì đó, mình có thể gọi đó là kiến thức của mình không? (chương 6 - Testimony).


Cuốn sách không quá dễ đọc, đòi hỏi người đọc sự bình tĩnh (thật sự) khi những tranh biện trở nên cực rối rắm mà ngày thường chúng ta ít khi dùng tới. Nó yêu cầu chúng ta dừng lại, ngẫm và đi tiếp rồi có thể lúc nào đó quay lại những trang đánh dấu của chương trước để tìm hiểu. Đó cũng chính là lý do Nagel thường nhắc lại đến những ví dụ ở các chương khác để kết nối các chương với nhau hoặc nhắc lại những học thuyết được kết nối với nhau qua thời gian và được phát triển như thế nào. Như tôi đã từng học mà khi đọc lại cũng cảm thấy cần thời gian thấm.


Điểm cộng của cuốn sách này chính là phần cuối khi tác giả giới thiệu kỹ lưỡng những nguồn đọc thêm cho từng chủ đề trong mỗi chương để người đọc có thể tìm hiểu nếu cần và tôi nghĩ phần này cũng tốn nhiều công sức không kém việc viết nên 1 chương sách đâu.


Đương nhiên, như bao cuốn sách Triết học khác, chẳng có câu trả lời cụ thể nào cho câu hỏi ban đầu đặt ra mà có lẽ chỉ thêm hằng trăm câu hỏi đau đầu khác cho người đọc. Thế nhưng, nếu bạn khao khát 'tìm kiếm giới hạn giữa ý kiến cá nhân và tri thức', nếu bạn tin rằng 'lý lẽ chưa chắc là sự thật' và bạn muốn phân biệt giữa 'kiến thức và cảm giác mình có kiến thức'* thì đây chính là 1 sự khởi đầu tuyệt vời.


*Tạm dịch từ trích dẫn lời tác giả trong sách.


Mua sách tại ĐÂY


PS: Dịch các định nghĩa triết học sang tiếng Việt là 1 thử thách với tôi. Vì thế, hy vọng rằng những từ tạm dịch trên đây không quá sai với cách dịch của các dịch giả Triết học chuyên nghiệp tại Việt Nam.

Kommentare


© 2020 by Alobase

bottom of page