top of page

Tiếng nói - Quyền lực và Phụ Nữ

Book Review: “Women and Power” của GS Mary Beard




Giáo sư Mary Beard (ĐH Cambridge) là 1 nhân vật tôi yêu thích kể từ khi xem bà trong các bộ phim tài liệu của BBC về lịch sử Đế chế Roma (SPQR). Nhưng có lẽ danh tiếng của bà, bên cạnh học thức về lịch sử cổ đại, còn tăng lên gấp bội sau những tranh cãi nảy lửa về sự xuất hiện của 1 ’người dẫn chương trình” không son phấn, tóc bạc trắng, và có vẻ ngoài ‘cáu bẳn’.


Đã có nhiều người viết thư về BBC2 nói về việc thay 1 người khác dẫn những phim tài liệu mà chính bà tham gia sản xuất và viết kịch bản (đương nhiên là dựa trên nghiên cứu của bà) - 1 cô gái trẻ trung hay dễ nhìn hơn chút. Nhưng nếu bạn đã từng xem những tập phim này thì chắc chắn lại thấy cách dẫn của bà cuốn hút hơn, thật hơn nhiều, vì bà không phải đang ‘đọc’ kịch bản mà đang thực sự truyền cảm hứng khao khát muốn tìm hiểu về lịch sử. Vì thế, đối với tôi, liệu có ai khác tốt hơn để viết một 'bản tuyên ngôn cho phụ nữ' từ góc nhìn lịch sử hơn Mary Beard?


Cuốn sách này nhỏ gọn, bao gồm 2 bài tiểu luận/bài phát biểu: 'Tiếng nói của phụ nữ ở nơi công cộng' và 'Phụ nữ nắm quyền lực'. Tôi bị mê hoặc bởi những tranh luận trong bài đầu tiên - một điều tôi chưa từng nghĩ quá sâu nhưng lại ấn tượng hơn với logic của bài luận thứ 2. Đâu đó, thỉnh thoảng có những suy nghĩ về trải nghiệm không mấy đẹp đẽ của bà khi nói đến việc 'sống và thành công trong một thế giới của đàn ông’.


Cuốn sách thật thú vị và thực sự khiến tôi thấy sảng khoái khi nhận ra thế giới hiện đại ngày nay liên tục sử dụng những câu chuyện và biểu tượng của thế giới cổ điển để giảm vai trò, tiếng nói và sức mạnh của phụ nữ, theo ý kiến của tôi, mà không mấy có hiểu biết sâu sắc về nguồn gốc hay ẩn ý sau đó. Việc chúng ta chiêm ngưỡng bức tượng Perseus chặt đầu Medusa và giương lên đầy oai hùng trăm năm qua tại quảng trường trung tâm Florence gần như khiến chúng ta quên mất vì sao bà lại bị nguyền rủa? Và Medusa là biểu tượng của phụ nữ ma mị mà đàn ông tránh xa hay ẩn đằng sau đó là 1 sự dè bỉu với phụ nữ? Và Medusa vẫn liên tiếp xuất hiện với hình thái mới - khi được ghép hình của Hilary Clinton và Angela Merkel. Chúng ta lại tự hỏi - vì sao những người phụ nữ tìm kiếm thành công và tiếng nói lại tiếp tục bị đem ra làm trò dè bỉu của công chúng?


Mary Beard đã liên tiếp đưa ra những bằng chứng kèm hình ảnh để chứng minh cho quan điểm của mình về lịch sử của bất bình đẳng giới tại các nước Tây phương. Cũng vì cuốn sách có rất nhiều kiến thức về thế giới cổ điển (chủ yếu là phương Tây), nó đã thành công truyền cảm hứng cho nhiều cô gái tại Anh Quốc nhưng lại khó đến với công chúng quốc tế (kể cả tại Mỹ).


Cuốn sách chỉ ra rằng dù chúng ta đã trải qua hàng ngàn năm và có những tiến bộ vượt bậc, nhưngthật đáng thất vọng khi tiến bộ xã hội về bình đẳng giới còn quá ít. Giáo sư Mary Beard đã dùng chính tiếng nói và 'thẩm quyền’ kiến thức của mình để tranh luận, đúng lúc và hợp lý. Kết luận của bà không phải là phụ nữ cần hay tham quyền lực. Cái họ cần là được đóng góp cho cuộc sống, được hoạt động và làm việc đúng khả năng và tiềm năng của mình, và những điều họ làm cần được đón nhận 1 cách nghiêm túc.


Blog của Giáo sư Mary Beard: https://www.the-tls.co.uk/category/a-dons-life/


Để đọc bài Tiểu luận ‘The public voice of Women”: https://www.lrb.co.uk/…/mary-beard/the-public-voice-of-women

0 comments
bottom of page