top of page
Mai Nguyễn

Tìm thấy bản thân trong Thế giới hỗn độn

Book Review: Notes on a Nervous Planet _ Matt Haig


Một điều tôi chắc chắn là cuốn sách này đang cố gắng giúp độc giả tỉnh táo trong một thế giới điên rồ. Ít nhất nó đã giúp tôi, khi tôi đang ở giữa một cơn khủng hoảng truyền thông “nhẹ”. Tôi nhìn thấy cuốn sách này tại Waterstones, trong 1 cố gắng tìm kiếm tiếng nói êm dịu hoặc 1 cách giải toả stress nào đó. Và tôi phải thực sự biết ơn.




“Luôn có một khoảng cách cố định giữa điều đang nói và thứ được nói đến. Một profile trên mạng của người bạn thân nhất không phải là người bạn thân nhất nhất của bạn. Một cập nhật trạng thái về một ngày trong công viên không phải là một ngày trong công viên. Và khát khao muốn nói với cả thế giới về việc bạn hạnh phúc như thế nào không phải là cảm xúc bạn hạnh phúc như thế nào.”

Cuốn sách là hàng loạt những trang ghi chú, lúc ngắn lúc dài, lúc đầy đủ, lúc cụt ngủn. Ban đầu, tôi cảm thấy thật khó chịu khi đọc những ý tưởng rời rạc và phong cách viết không nhất quán . Nhưng dần, tôi nhận ra tác giả không phải đang muốn viết 1 cuốn sách giảng giải, hay khoa học mà là 1 cuốn sổ ghi chép những suy nghĩ lang thang, vẩn vơ nhưng rất đời, rất thật, đôi lúc mang chút than phiền, sầu não, nhưng đa phần là sâu sắc và hướng tới điều tốt đẹp. Chính tác giả, người đã từng suýt tự tử vì bệnh trầm cảm, trong từng trang ghi chú, đang cố mổ xẻ những điều trong cuộc sống khiến anh ta và cả chúng ta nói chung thấy bất an, bất bình và không thể hạnh phúc.


"Thật dễ dàng để không phán xét 1 người khi họ mắc bệnh. Nhưng thật khó khăn hơn nhiều để không phán xét người ấy về cách họ ứng xử do chịu tác động của bệnh tật. Vì đơn giản, chúng ta ko thấy được lý do đằng sau cách ứng xử ấy.”

Là tác giả cũng 5 cuốn tiểu thuyết bán chạy, Matt không phải là người không thành công. Nhưng anh ta vẫn luôn thấy phiền não, thấy không bằng người, thấy mệt mỏi bởi những tranh cãi trên mạng xã hội. Rồi anh ta lại thấy luyến tiếc khi không chia sẻ với người mẹ đau ốm trong bệnh viện chỉ vì những bộn bề cuộc sống. Rồi anh ta lại không thể chia sẻ cảm giác ngột thở đến tận cùng với người bạn gái hay những đứa con. Nghe thì có vẻ như cuộc sống của Matt khác lạ nhưng thực chất đâu đó, ngày nào đó, chúng ta, cả tôi nữa, cũng có những phút giây như vậy. Những phút giây thấy thật thất vọng, thật chán nản, thật mệt mỏi nhưng chúng ta vẫn đuổi Theo 1 cái gì đó, 1 sự thoả mãn trong tíc tắc mà không phải sự hạnh phúc bên trong.

"Càng nhận được nhiều thành công, bạn càng dễ thất vọng khi không nhận được mọi thứ. Sự khác biệt duy nhất là bây giờ không ai cảm thấy tiếc cho bạn"

Để trở thành 1 người có sự bình tâm trước mọi việc, có an lành trên từng bước chân có lẽ không phải mục tiêu của tôi và có lẽ cũng không phải ai trong chúng ta cũng muốn. Chúng ta thực chất muốn sống như 1 con người thực sự, có khao khát, đam mê, có điên, có thường, có vui, có buồn. Có lẽ đôi lúc, chỉ đôi lúc chúng ta muốn tìm đên sự thanh tịnh, yên ắng. Vì thế tôi thích cách Matt đang biến những gì con người thực sự muốn có, kết hợp với những triết lý, nghiên cứu khoa học phù hợp để giúp mỗi người tự tìm ra cách bình tâm, khi chúng ta cần thực sự bình tâm. Tôi thích cách anh ta viết không phải để giảng mà là để chia sẻ. Trong chia sẻ của anh ấy, nhiều ý nghĩ xuất hiện sâu sắc và chân thực đến nỗi tôi bắt đầu lấy một cây bút chì và cờ trang và không ngừng đánh dấu ở khắp mọi nơi.

“Có lẽ hạnh phúc không phải là những gì chúng ta có được bởi vì chúng ta xứng đáng. Có lẽ hạnh phúc là về những gì chúng ta đã có. Có lẽ hạnh phúc là về những gì chúng ta có thể cho đi. Có lẽ không có 1 cách cụ thể nào để đạt được hạnh phúc. Có lẽ mục đích của cuộc sống là từ bỏ sự chắc chắn và tận hưởng sự vô thường đẹp đẽ của nó”.

Anh ấy đã đúng, về cách thế giới trở nên phức tạp hơn và cố tình làm rối trí não của chúng ta và về cách chúng ta cần tìm cách (hoặc nhiều cách) để trốn thoát, ngắt kết nối, bình tĩnh, thở, sau đó kết nối lại với những gì thực sự quan trọng, ở cấp độ cá nhân, ít nhất là ban đầu. Chỉ khi biết mình, chúng ta mới thực sự có thể bắt đầu sống!

0 comments

Comments


bottom of page