[REVIEW ĐỦ]- Sách hay nhất năm 2017 tại Anh
Adam, 1 bác sĩ phụ khoa bậc senior registrar sau 6 năm đào tạo nội trú, đã phải từ bỏ công việc và ước mơ của anh ta, sau 1 tai nạn nghề nghiệp. Trong ngàn ca mổ đẻ, anh ta đã mang đến cuộc sống hàng ngàn sinh linh bé nhỏ nhưng lần này, anh ta đã thất bại. Em bé không còn, còn bà mẹ thì cấp cứu hôn mê. Adam đã vượt qua tất cả những trở ngại tâm lý lớn để theo đuổi nghề y trong suốt những năm qua, từ việc chẳng bao giờ biết đến ngày nghỉ lễ, không có thời gian tắm rửa, ăn uống, không thể đi dự đám cưới hay tang lễ người thân, bị sỷ vả bởi cấp trên, bị đánh bởi người nhà bệnh nhân, bị vợ sắp cưới bỏ sau khi cùng nhau đứng tên mua nhà… Adam đã vượt qua những thứ đó chỉ để hoàn thành 1 công việc có lương theo giờ tính bằng xu, có chế độ đãi ngộ lạnh lùng nhất. Nhưng anh ta không thể vượt qua nỗi ám ảnh đã thất bại trong ca mổ đó. Chỉ còn 1 chút nữa là Adam trở thành bác sĩ chuyên khoa cao cấp nhưng anh ta rời đi, tìm đến công việc của 1 người viết kịch bản hài và tác giả của cuốn sách/nhật ký bác sỹ nội trú này.
Câu chuyện của Adam theo tôi nhiều đêm trước khi đi ngủ. Mặc dù có nhiều người bạn làm bác sỹ, nhưng họ hầu như ít kể cho tôi về công việc của mình. Tôi, giống nhiều người khác, khi có bạn làm bác sỹ thì chỉ tới tấp nhờ vả xem bệnh, rồi tưởng tượng ra 1 công việc được xã hội trọng vọng, mức lương 6 chữ số (tiền bảng). Mặc dù tôi có thời gian trong bệnh viện lâu ngày, tận mắt nhìn thấy các bác sĩ có những ca trực liên tiếp 24 giờ không ngủ, chạy sầm sập từ giường bệnh này sang phòng bệnh kia, nhưng tôi chưa thể mường tượng được công việc của họ lại khổ sở đến vậy.
Câu chuyện của Adam gắn liền với hệ thống y tế quốc gia NHS mà triệu người Anh hàng chục năm nay tự hào. Hệ thống y tế này gánh trên vai 60 triệu con người và đội ngũ hơn 1.5 triệu bác sĩ, y tá… là không thể đủ. Mỗi người bệnh dù giàu hay nghèo đến với NHS đều được đối xử như con người, không cần kiểm tra giấy tờ và xuất xứ. Nhưng năm 2013, trong 1 báo cáo làm cho Unison (công đoàn của NHS), tôi bất ngờ nhận ra chính những áp lực về sự hoàn hảo của hệ thống, sự thờ ơ của những chính trị gia (những người có đủ tiền để dùng hệ thống y tế tư nhân) và sự đòi hỏi cũng như thiếu hiểu biết của nhiều người bệnh đã biến hệ thống tuyệt vời này thành 1 “mớ bòng bong” và tệ hơn nữa.
Lương của bác sỹ, y tá không tương xứng với công sức và gánh nặng công việc của họ. Mà có lẽ, chẳng ai nên bước vào ngành y mà nghĩ rằng tiền là mục tiêu. Nếu vì tiền, học tài chính (những năm trước) hay học toán và thống kê (thời nay) còn có xác suất cao hơn nhiều, và cũng ít bán mạng hơn. Không chỉ có lương, 1 bác sỹ chịu áp lực làm việc liên tục không ngừng nghỉ mà ko có 1 chế độ chăm sóc và quan tâm tử tế hơn. Và căng thẳng công việc của họ càng tăng khi cân bằng cuộc sống không được đảm bảo. Giờ đây, tôi cảm thấy thông cảm hơn nếu bạn bác sỹ của tôi cancel buổi gặp hay cả mấy tháng biến mất không 1 tin nhắn.
Câu chuyện của Adam không hề nặng nề. Ngược lại, có những mẩu chuyện trong nhật ký của anh ta khiến tôi cười nắc nẻ (cô bạn tôi thì kể rằng cô ta cười như động kinh trên 1 chuyến tàu). Adam hài hước vô cùng, và những suy nghĩ sâu thẳm của anh ta về những sai lầm, yêu cầu hay câu nói ngớ ngẩm, vớ vẩn, nhảm nhí xẩy ra trong bệnh viện đến ngoài đời đều rất con người. Tôi không thể phủ định có những suy nghĩ “ác” nhưng chân thật lắm. Tôi không chỉ hiểu được cuộc sống và công việc của bác sỹ nội trú hơn từ cuốn sách này, mà còn tích luỹ kha khá những tên bệnh phụ sản, phụ khoa và những tình huống bi hài có thể xẩy ra nữa (phòng khi).
Có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ có thể đưa ra quyết định thay đổi cái hệ thống này, dù tôi nợ nó rất nhiều. Nhưng chí ít, tôi hiểu được rằng là 1 người đã, sẽ và rất có thể liên tục sử dụng hệ thống y tế và nhờ vả bác sỹ, tôi nên là 1 bệnh nhân tử tế. Nghĩa là: tôi phải tự biết chăm sóc bản thân hơn, sống khoa học hơn, không làm phiền đến bệnh viện quá tải khi không có việc gì to tát, và nếu (không may) có thì tôi nên biết ơn và thông cảm hơn. Chí ít, thay vì kêu gào, đuổi theo bác sỹ, nhảy hàng…, tôi nên điềm tĩnh ngồi xuống, đọc sách, chờ đến lượt gọi mình.
(và trong lần gần nhất tới bệnh viện, tôi là người duy nhất đủ bình tĩnh đọc sách trong hàng dài những gương mặt đầy lo âu. Haizz, và vì thế, tôi cũng biết thân biết phận đi về chờ đến khi bệnh có chuyển biến hơn là kéo hàng dài thêm không cần thiết)
Mua sách tại ĐÂY
Comments