[REVIEW ĐỦ]
Điểm quan trọng nhất đối với tư duy chính là tự thân phải suy nghĩ. Nhưng làm sao trẻ biết nên suy nghĩ về hướng nào đây? Khác với người lớn, trẻ em vốn đã hiếu kỳ. Chúng là những nhà nghiên cứu bẩm sinh. Nếu được vây quanh bởi trẻ con, bạn chắc chắn không ít lần á khẩu bởi những câu hỏi xoáy, dồn dập và nhức não. Có nhiều lúc, tôi chắc chắn ngay cả những người bình tĩnh nhất cũng phải xin hàng. Đã có những cuốn sách bàn về việc phụ huynh nên trả lời trực tiếp câu hỏi hay nói con “tự nghĩ, tự tìm câu trả lời”. Đó là 1 chuyện. Nhưng để mở rộng suy nghĩ của trẻ, để chúng cũng phải “chịu” những câu hỏi hóc búa như cách chúng hỏi chúng ta lại là 1 mặt khác mà chỉ 1 số ít đề cập tới.
Có nhiều phụ huynh, trong đó có tôi, hàng ngày vẫn hỏi những câu như “Cơm ăn ngon không? Hôm nay con đi học vui không?” và hay nhận được những câu trả lời ầm ừ, chẳng nhiệt tình mấy. Hỏi cũng là cả 1 nghệ thuật, tôi nhận ra như vậy. Tôi còn nhớ lời của Hiệu trưởng trường giáo dục Harvard, James Ryan, có nói: “Để có câu trả lời đúng, phải có câu hỏi đúng đã”. Vậy muốn trẻ tìm tòi, học hiểu, thì việc phụ huynh hỏi đúng, hỏi sáng tạo không chỉ giúp trẻ tìm thông tin tốt hơn mà còn luyện cho chúng khả năng suy nghĩ và phân tích đưa ra câu hỏi tốt nữa.
Edward de Bono, GS tâm lý học, cha đẻ của “6 chiếc mũ tư duy” và kha khá cuốn sách dạy tư duy đã được phát hành ở Việt Nam, còn viết 1 cuốn sách tôi cho là đáng đọc - “Dạy con cách tư duy” (Teach your child how to think).
Trong 4 chương, tôi trân trọng nhất là chương 2 - nói về thái độ để hình thành thói quen tư duy và những nhóm câu hỏi đa chiều. De Bono sử dụng ký hiệu tắt cho những nhóm câu hỏi: CAF (Consider all factors - xem xét tất cả yếu tố); APC (Alternatives, possibilities, choices - các khả năng lựa chọn khác nhau), OPV (Other people's views - quan điểm của người khác), CS (Consequences and Sequel - hậu quả và tiếp nối); PMI (Plus, minus and interesting - cộng, trừ, và điểm đặc biệt); AGO (Aims, Goals, and objectives - mục tiêu); FIP (First important priorities - ưu tiên hàng đầu). Nếu ngẫm kỹ thì chúng ta thường đặt câu hỏi theo kiểu: tại sao, như thế nào, ở đâu, khi nào.... thay vì những câu hỏi gợi mở như: Nếu ...thì....; ở vị trí này thì sao?..., liệu có thể...
Tôi cảm thấy cách hỏi sáng tạo, trúng đích cộng thêm thái độ quan tâm tích cực từ phụ huynh là yếu tố quan trọng hình thành chia sẻ giữa bố mẹ và con cái. Có 2 dạng câu hỏi: 1 là hỏi chi tiết - ví dụ như cách cảnh sát điều tra vậy. 2 là hỏi để suy nghĩ, để tư duy. Ở đây, de Bono đã làm được "việc lớn" là đưa ra cách làm sao hỏi cho đúng, hỏi cho sâu, hỏi để trẻ không chỉ cố đi tìm câu trả lời mà còn hiểu để sau này áp dụng, nghiên cứu và tìm tòi trong lúc học. Bạn sẽ có cảm giác đây là 1 cuốn cẩm nang để chúng ta không còn phải mò mẫm nghĩ ra cách hỏi nữa. Bỏ qua những phần viết hơi 'sách vở' của de Bono thì cuốn sách này dễ đọc kinh khủng. Không vòng vèo, không hoa mỹ. De Bono viết chi tiết những nhóm câu hỏi, ví dụ hoàn cảnh và cách hỏi, cách thử nghiệm mà phụ huynh có thể thử ngay.
De Bono hướng cuốn sách này tới 10 tuổi trở lên nhưng tôi thấy chẳng hại gì nếu từ 4,5 tuổi đã khuyến khích trẻ suy nghĩ. Và cuốn sách cũng rất có ích cho những bạn muốn luyện tư duy vì có rất nhiều câu hỏi luyện tập cho các lứa tuổi khác nhau.
Đừng nhầm với phiên bản mới 2015 nhé, và cũng đừng dùng audible, hãy thử đọc phiên bản 1994.
Comments