Người thông minh trên thế giới thì nhiều, nhưng mấy ai là thiên tài thực sự. Người giỏi trên đời cũng khônng thiếu, nhưng mấy ai thực sự thành vĩ nhân. Leonardo Da Vinci là 1 trong số ít ỏi những vĩ nhân mà cái “trời cho” lại không phải là bộ não siêu việt, xuất thân sang chảnh hay hàng tỷ tiền đầu tư. Vậy Điều gì đã tạo nên 1 thiên tài Leonardo?.
Giáo sư Walter Isaacson, cựu Chủ tịch CNN và cựu tổng biên tập tạp chí Time, nhà viết tiểu sử của Steve Jobs - hiện là tác giả tiểu sử về "Leonardo da Vinci”, đã dành nhiều năm nghiên cứu 7.200 trang ghi chú viết tay của Leonardo. Walter phân biệt Leonardo với những thiên tài như Newton hay Einstein, những người được sinh ra với bộ não siêu việt. Leonardo chứa đựng những tố chất thực sự của sự sáng tạo thiên tài, sự tò mò “trong sáng” (tò mò tìm tòi chỉ vì tò mò mà thôi). Leonardo đi trước thời đại của mình 100 năm: công khai đồng tính, với một tình yêu mặc áo chẽn pha màutím hồng, với vóc dáng tuyệt vời, và mái tóc xoăn vàng. Một cách tự nhiên, Leonardo sinh ra đã yêu những hình xoăn.

Với Leonardo, luôn có một thứ khác để học hỏi. Ông không phân biệt nghệ thuật với khoa học, thực tế với tưởng tượng. Trong thực tế, tác phẩm của ông là kiệt tác bởi vì chính xác có sự pha trộn hoàn hảo của nghệ thuật và kỹ thuật, tưởng tượng và thực tế. Ông đã sử dụng suy nghĩ này để tìm câu trả lời cho câu hỏi "Làm thế nào để chúng ta kết nối với thế giới?". Và để tìm câu trả lời, ông đã học được mọi thứ. Và điều này có thể xảy ra một phần vì ông may mắn đọc được cuốn kinh thánh Gutenberg khi nó đến Milan, vì ông có khả năng tự học, vì bản thân ông không có cuộc chiến nội tâm giữa việc là một người đồng tính và một người sùng đạo (không như Michelangelo).
Có nhiều người cố đặt Leonardo vào 1 khung định nghĩa nghề nghiệp nhất định. Nhưng dường như ông là tất cả: nhà toán học, hoạ sỹ, nhà sinh học, kỹ sư, thiết kế…Leonardo giúp tôi nhận ra sự khác biệt lớn nhất giữa ông và những gì chúng ta dường như khó tìm thấy trong xã hội chỉ ganh đua điểm số của ngày nay chính là: sự hiếu kỳ với mọi điều và sự theo đuổi đến tận cùng.
Leonardo có một sự tự tin và tò mò để theo đuổi ngay cả những điều chỉ có trong trí tưởng tượng. Trong bức thư viết cho Ludovico ở Florence, lá thư xin việc này có thể được coi là lá thư tuyệt vời nhất có thể viết trong lịch sử: "... Tôi có thể chuyển hướng của nước. Tôi có thể làm vũ khí. Tương tự như vậy trong vẽ tranh, tôi có thể làm mọi thứ!”.
Tôi đã bắt đầu lần theo dấu chân của Leonardo trong những chuyến đi. Chen chúc giữa cả trăm người, tôi cố đưa điện thoại lên zoom vào bức hoạ Mona Lisa, đang trưng bày tại bảo tàng Louvre ở Paris. Tôi lại tìm đến bảo tàng The Uffizi Gallery ở Florence, nơi Leonardo đã trải qua quá trình học việc để được tận mắt nhìn thấy bức "Annunciation” và "Adoration of the Magi" rồi đặt chỗ trước cả mấy tháng để xem bức The Last Supper ở Santa Maria delle Grazie.
Năm 2012, Royal Collection, Anh Quốc tổ chức triển lãm 550 bức tranh hoàn thiện và vẽ mẫu của Leonardo. Rồi năm 2015, tại Rome, tôi được dịp xem hàng trăm trang vẽ từ những cuốn sổ tay của Leonardo ghi chú những quan sát của ông về cử động của con người, gắn liền với những phân tích về cơ thịt, cơ mặt, nội tạng, cấu trúc xương, vỏ não... Ông còn ghi chú những tính toán về proportion của tay chân, những góc hình học về tác động của khúc xạ ánh sáng lên đồ vật hay cảnh quan. Năm 2016, National Gallery tổ chức 1 triển lãm lớn, biến những thiết kế kỹ thuật quân sự của Leonardo thành những mô hình với kích cỡ thật. Tôi đã đi từ những bất ngờ đến quỳ rạp trước 1 bộ óc đi trước thời đại. Đến năm 2017, tại Milan, tôi lại 1 lần nữa được chiêm ngưỡng thêm những bản mẫu này và nhận ra còn vô vàn thiết kế khác ngoài sức tưởng tượng của 1 con người. Từ chiếc máy bay đầu tiên, trước cả thời anh em Wright, đến chiếc “nỏ” thần, hệ thống kênh đào dịch chuyển nước, tới những cỗ xe tấn công thành trì… không có gì con người này không thể làm được. Và có lẽ ông cũng luôn tự tin như thế!
Chỉ là 1 người con không được thừa nhận, không thân phận, Leonardo luôn tìm câu trả lời cho mọi thứ ông chưa hiểu. Không nhất thiết rập khuôn theo 1 sách vở, không theo những chuẩn mực mà xã hội mong chờ, ông quan sát và thử nghiệm. Tất cả chẳng phải đều ráp vào nhau 1 cách thần kỳ, tạo nên những kiệt tác đấy sao?
Leonardo cũng là một người tình ngọt ngào: người mà giữa những suy nghĩ về giải phẫu tim và máu tĩnh mạch, đã vẽ một bức chân dung nhỏ của người yêu mình với một trái tim. Trong cuốn sổ cuối cùng của ông, khi bệnh tật trên giường, dòng cuối cùng của ông về hình học đã viết “...nhưng món súp đang nguội dần rồi", ông đã ngừng viết để thưởng thức món canh mà người bạn đời đã làm cho mình.
Tôi có một sự ngưỡng mộ suốt đời với Leonardo và đã đọc rất nhiều về cuộc đời ông, nghệ thuật, vũ khí, và nghiên cứu giải phẫu học. Nhưng cuốn tiểu sử của Walter đã vượt quá mọi kỳ vọng. Bạn có cảm giác rằng bạn đang nghe Leonardo trò chuyện như một người trưởng thành với sự tò mò, sự tự tin và cả câu chuyện tình yêu của ông. Bạn còn được đọc những suy nghĩ về từng bước phác thảo, tính toán cho những bức hoạ đỉnh cao thế giới, những suy tư về những điều chưa làm được. Walter còn ưu ái bạn đọc bằng 1 chương cuối về những gì ông rút ra được từ cuộc đời của Leonardo.
Cám ơnOmega Plus Booksđã hoàn thiện việc dịch và mang đến cuốn tiểu sử này đến Việt Nam với chất lượng tuyệt vời, tương đương bản tại Mỹ mà tôi có được từ cuộc gặp mặt với Walter vào cuối năm 2017. Cuốn sách với hơn 700 trang với 144 ảnh màu và toàn bộ giấy được in trên giấy couche 120 Nhật (loại giấy chuyên dụng để in sách ảnh) và tất cả các thông tin & phác thảo thô về cuộc đời ông. (Có 1 sự tự hào ko nhẹ khi đặt 2 bản cạnh nhau)
Dù bạn có yêu Leonardo như tôi hay không, cuốn tiểu sử này là một món quà tuyệt vời cho bản thân để hiểu về 1 thiên tài thay đổi thế giới, để học cách suy nghĩ, cách sống của 1 người đi trước thời đại. Phải chăng giáo dục của chúng ta từ nhà trường tới gia đình đều cần thiết tạo ra môi trường tích cực như vậy để có những con người không chỉ rập khuôn, máy móc mà biết sống vì đam mê?
Mua sách tại ĐÂY
Comments